SẦU RIÊNG VIỆT NAM: LIỆU CÓ TỒN TẠI VÀ VƯƠN LÊN TRONG CUỘC CHƠI LỚN

SẦU RIÊNG VIỆT NAM: LIỆU CÓ TỒN TẠI VÀ VƯƠN LÊN TRONG CUỘC CHƠI LỚN

Nếu ví thị trường trái cây như một bản giao hưởng, thì sầu riêng chính là giai điệu chủ đạo, đầy hấp dẫn nhưng cũng nhiều thách thức. Trong vài năm qua, sầu riêng - thứ quả gai góc mà ngọt ngào, đỏng đảnh nhưng giá trị, đang dần khẳng định vị thế "vua của các loại trái cây" trên khắp thị trường quốc tế. Và trong bản nhạc ấy, Trung Quốc nổi lên như một nhạc trưởng đầy quyền lực, chi phối hoàn toàn nhịp điệu cung - cầu.

Trên bản đồ xuất khẩu sầu riêng thế giới, Thái Lan và Việt Nam đang là những cái tên sáng giá nhất. Nhưng ít ai biết, quyền quyết định gần như tuyệt đối lại nằm trong tay thị trường Trung Quốc. Năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu đến 1,56 triệu tấn sầu riêng, tương đương 7 tỷ USD, thâu tóm hơn 80% tổng sản lượng xuất khẩu toàn cầu. Có thể nói, mọi sự "thịnh suy" của trái sầu riêng đều phụ thuộc vào thái độ và chính sách từ thị trường khổng lồ này.

Trung Quốc như một "nhà điều phối" đầy quyền lực, khi chỉ cần một động thái siết chặt các tiêu chuẩn kiểm dịch, an toàn thực phẩm cũng đủ làm rung chuyển cả ngành sầu riêng Việt Nam lẫn Thái Lan. Đầu năm 2025, việc áp dụng tiêu chuẩn kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất bảo quản đã khiến hàng trăm lô sầu riêng bị trả về, gây nên làn sóng hoang mang cho người nông dân Việt Nam, và cảnh báo họ về một thực tế khắc nghiệt: khi phụ thuộc quá sâu vào một thị trường, rủi ro càng trở nên khôn lường.

Không chỉ dừng lại đó, Trung Quốc tiếp tục mở rộng "vòng tay" nhập khẩu thêm sầu riêng từ Malaysia và sắp tới là Indonesia, nhằm đa dạng hóa nguồn cung và giảm phụ thuộc vào các quốc gia hiện tại. Điều này vô hình trung biến thị trường xuất khẩu thành một cuộc đua khốc liệt hơn, tạo áp lực cạnh tranh dữ dội lên vai Việt Nam và Thái Lan.

Trung Quốc giống như trái tim điều tiết dòng máu cho toàn ngành sầu riêng. Mỗi quyết định, mỗi động thái của thị trường này đều khiến nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu khắp Đông Nam Á hồi hộp dõi theo từng hơi thở.

Họ đã từng mở cửa rộng rãi, tạo nên cơn sốt sầu riêng chưa từng thấy. Nhưng giờ đây, bằng việc siết chặt các tiêu chuẩn kiểm dịch và mở rộng nguồn cung từ Malaysia, Philippines và sắp tới là Indonesia, Trung Quốc dường như đang muốn chơi một nước cờ chiến lược: giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn cung chính như Thái Lan và Việt Nam. Rõ ràng, họ hoàn toàn đủ khả năng "thao túng" cuộc chơi này, bởi thị trường khổng lồ ấy là mảnh đất màu mỡ mà bất kỳ nước xuất khẩu nào cũng muốn chinh phục.

Việc mở rộng nhập khẩu từ các quốc gia mới không chỉ tạo ra sức ép cạnh tranh mà còn là tín hiệu Trung Quốc muốn nắm trong tay sự lựa chọn phong phú, đa dạng hóa rủi ro và tối ưu hóa lợi ích kinh tế của chính mình. Song, điều này cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia sản xuất truyền thống như Việt Nam và Thái Lan cần đối mặt với nguy cơ dư thừa sản phẩm, giảm giá bán và lợi nhuận thấp.

Nhưng "nhạc trưởng" Trung Quốc cũng đã bắt đầu gieo mầm cho những nốt trầm mới. Việc họ khởi động trồng sầu riêng ngay tại Hải Nam và Vân Nam không đơn thuần là thử nghiệm, mà còn là thông điệp rõ ràng: họ đang tìm cách tự cung tự cấp, giảm áp lực nhập khẩu dài hạn. Tuy sản lượng hiện tại còn khiêm tốn, nhưng một khi đất nước đông dân nhất thế giới quyết tâm tự chủ, áp lực sẽ ngày càng lớn hơn cho các quốc gia cung cấp.

Thái Lan và nỗi lo "mất ngôi vương"

Ở bên kia chiến tuyến, Thái Lan - nhà xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới - đang đứng trước những thách thức khổng lồ. Nhưng thay vì lùi bước, Chính phủ Thái Lan đang dồn toàn lực bảo vệ ngôi vị bằng chiến dịch "Set Zero" đầy quyết tâm, kiểm soát chặt chẽ từ độ khô trái tới tồn dư hóa chất. Giống như một vị vua giàu kinh nghiệm quyết tâm giữ vững ngai vàng, Thái Lan hiểu rằng chất lượng và thương hiệu là thứ vũ khí sắc bén nhất trong trận chiến này. Họ đã đưa máy CT và công nghệ AI vào trong việc kiểm tra sầu riêng, tạo công nghệ AI giúp người nông dân đếm trái, phân tích trái qua hình fangj và trọng lượng trái trên cây trong từng giai đoạn phát triển của trái, từ đó giúp người trồng điều chỉnh canh tác phù hợp.

Không những thế, sự quan tâm và hỗ trợ từ Chính phủ Thái Lan còn được thể hiện rõ ràng qua việc nâng cấp các tiêu chuẩn xuất khẩu, đầu tư mạnh mẽ vào các phòng thí nghiệm, nâng cao năng lực xét nghiệm dư lượng hóa chất, và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thể hiện rõ nhất trong việc cách chức ông Rapiphat Chanthrasriwong, Tổng cục trưởng Cục Khuyến nông trong vụ việc liên quan đến việc kiểm tra chất BY2 vừa qua. Hành động quyết liệt và nhanh chóng này là minh chứng cho quyết tâm bảo vệ danh tiếng và thị phần sầu riêng Thái Lan.

Việc kiểm soát chặt chẽ được thực hiện dễ dàng và đồng bộ khi Thái lan đã thành lập các hiệp hội để quản lý các loại trái cây khác nhau: Hiệp hội sầu riêng Thái lan(TDA), hiệp hội măng cụt(DMA)hiệp hội xuất khẩu trái cây(MAFTA) nông dân thông minh(YFS)…

Malaysia và Philippines – những "tân binh" không thể xem nhẹ

Nếu Thái Lan là vị vua đang bảo vệ ngôi vương, thì Malaysia lại như một quý tộc với giống Musang King nổi tiếng - từng bước chinh phục phân khúc thượng lưu, ung dung và hiệu quả. Malaysia không vội vàng chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng thượng hạng, kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng và tận dụng tốt lợi thế thương hiệu mạnh, đặc biệt họ đã được xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng tươi vào thị trường Trung quốc từ quý 3 năm 2024, hiện tại họ đang nhanh tróng mở rộng diện tích, đưa chương trình phát triển cây sầu riêng vào trọng điểm của quốc gia.

Còn Philippines như chàng hiệp sĩ trẻ, đầy nhiệt huyết, dùng giá cả cạnh tranh làm vũ khí lợi hại nhất, sẵn sàng bước vào cuộc đua chinh phục phân khúc đại chúng. Quốc gia này tận dụng tối đa ưu thế về giá thành rẻ, tiềm năng mở rộng diện tích lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường Trung Quốc ngày càng tăng mạnh.

Indonesia, người khổng lồ còn ngủ say, đang thức tỉnh với tiềm năng xuất khẩu vô hạn. Khi họ chính thức bước chân vào thị trường Trung Quốc, cuộc chơi chắc chắn sẽ càng thêm khốc liệt và căng thẳng hơn nữa.

Sầu riêng Việt Nam – cơ hội vàng giữa thử thách

Trong bối cảnh ấy, sầu riêng Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức chưa từng có. Chúng ta đã lớn mạnh nhanh chóng, nhưng cũng đang đối diện những khó khăn không nhỏ: phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, chất lượng chưa đồng đều, và hệ thống bảo quản còn hạn chế.

Việt Nam, dù là đối thủ lớn thứ hai về sản lượng cung ứng cho thị trường này, nhưng thực tế lại gặp không ít khó khăn khi "đứng dưới cái bóng khổng lồ" của Trung Quốc. Trên 90% sản lượng sầu riêng xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường này đã khiến Việt Nam rơi vào thế bấp bênh mỗi khi Trung Quốc thay đổi chính sách. Nông dân Việt vẫn còn khá xa lạ với VietGAP và GlobalGAP, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, dễ dính dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất. Những yếu kém về hạ tầng logistics, thiếu hệ thống bảo quản lạnh, dẫn đến tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch từ 15-20% cũng là một điểm yếu nghiêm trọng.

Ngoài ra, việc mở rộng diện tích tự phát, không theo kế hoạch, đã làm mất cân bằng cung cầu, dẫn đến rủi ro dư thừa trong mùa cao điểm, làm giảm giá trị thương phẩm của trái sầu riêng Việt Nam trên thị trường.

Để đứng vững trong cuộc chơi đầy biến động này, Việt Nam cần phải hành động ngay bằng cách đồng loạt áp dụng VietGAP, GlobalGAP một cách quyết liệt, nghiêm túc từ cấp cơ sở. Cần tăng cường đầu tư mạnh vào hạ tầng bảo quản, logistics chuyên nghiệp, và phát triển chế biến sâu nhằm giảm áp lực xuất khẩu trái tươi. Đồng thời, ngành sầu riêng Việt cần sớm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và EU, xây dựng thương hiệu quốc gia "Sầu riêng Việt Nam" để không còn quá phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.

Có thể thấy, thị trường sầu riêng toàn cầu, với sự chi phối mạnh mẽ từ Trung Quốc, vừa là cơ hội, nhưng cũng đầy thử thách. Đã đến lúc Việt Nam cần thức tỉnh, mạnh mẽ cải cách để biến thách thức thành cơ hội thực sự, đưa sầu riêng Việt trở thành thương hiệu quốc tế vững chắc, bền vững, và thịnh vượng.

Giống như một bản nhạc hay cần những nốt thăng trầm, ngành sầu riêng Việt Nam cũng cần sự đồng lòng từ chính quyền, doanh nghiệp đến người nông dân để viết nên một chương mới, bền vững và vinh quang hơn. Bởi chỉ khi biết nắm bắt thời cơ và chủ động vượt qua thách thức, sầu riêng Việt Nam mới thực sự vươn lên và khẳng định vị thế xứng đáng trên bản đồ nông sản thế giới.

Tin liên quan